Hiện chưa có sản phẩm |
TỔNG TIỀN: | 0₫ |
Xem giỏ hàng | Thanh toán |
Sau Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ là một dịp tiếp theo để người Việt quây quần bên gia đình, thờ cúng tổ tiên.
Tết Đoan Ngọ là gì?
Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là tết Đoan Dương, được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm. Đây là một ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc. "Đoan" có nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều, nên Tết Đoan Ngọ được ăn vào buổi trưa. Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã đó chính là "Tết diệt sâu bọ". Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
Ảnh: Một mùa màng bội thu, cây trái trĩu quả, không còn sâu bệnh là điều người nông dân ước ao và cầu nguyện trong dịp Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được dân gian quan niệm là ngày Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Đây là thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi, dịch bệnh dễ phát sinh nên dân gian có nhiều tục trừ và phòng bệnh trong cơ thể và cộng đồng, tên gọi ngày Tết diệt sâu bọ cũng bắt đầu từ đó.
Ngoài ra, Tết Đoan Ngọ xưa là do nhân dân lao động cùng nhau tạo nên. Người nông dân với nghề lúa nước luôn đòi hỏi phải quan sát thời tiết, cố để tránh tối đa những tác hại của nó và tận dụng hữu hiệu những lợi thế mà tự nhiên mang lại, nhờ vậy mà các phong tục của Tết Đoan Ngọ được hình thành.
Các hoạt động gia đình trong tết Đoan Ngọ
1. Chuẩn bị các món ăn
Tết Đoan Ngọ là dịp người ta thường dành thời gian cho gia đình. Buổi sáng, nhiều người tranh thủ ra chợ sớm mua những món ăn về nấu hoặc để cúng. Những món ăn thường thấy là bánh tro, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp ngay sau khi họ ngủ dậy.
Ảnh: Ra chợ sớm để mua đồ ăn Tết Đoan Ngọ
Đặc biệt, có nhiều gia đình ở miền Tây còn làm thêm bánh cúng – một loại bánh quen thuộc của bà con miền này.
Tên gọi ‘bánh cúng’ cũng gây nhiều sự tò mò. Nhiều giả thuyết cho rằng, ngày xưa tên bánh là bánh cuốn do cách làm bánh là phải cuốn lại nhưng sau này dễ nhầm lẫn với món bánh cuốn nóng nhân thịt nên mới đọc lệch sang thành bánh cúng. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng đây là loại bánh dùng để cúng ông bà, cúng giỗ, cúng rằm nên mới có tên là bánh cúng.
Bánh cúng thuần túy thường có màu trắng trong, dai giòn, có mùi bột gạo và hay được gói trong lá chuối. Khác với bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho Trời và Đất thì bánh cúng mang ý nghĩa như dùng một sản vật tinh khiết tự nhiên của đất trời để dâng cúng, do đó bánh chỉ có gạo chứ không thêm thịt mỡ như bánh chưng, bánh tét. Dựa theo nền văn hóa phồn thực của dân tộc Chăm, bánh cúng là tượng trưng cho Linga (sinh thực khí nam), góp phần giúp vạn vật sinh sôi nảy nở.
Ảnh: Pha bột làm bánh cúng
Ảnh: Bánh cúng sau khi hấp và được cắt ra thưởng thức
Bánh có hình dạng thuôn dài, bên ngoài được bao bọc bằng lá chuối, có khi được cột bằng chính dây lá chuối nhưng có khi được cột bằng dây nhựa. Và loại bánh này khi bán thì ít ai bán 1 - 2 cái mà người bán thường bó lại làm một bó 10 cái. Bởi đơn giản là bánh này ăn rất dễ gây nghiện, và việc 1 người "chén" hết 10 bánh/lần cũng là chuyện quá đỗi bình thường.
Ảnh: Một số bước quan trọng để làm nên những chiếc bánh cúng thơm ngon
Với hương vị thơm ngon, đậm đà và bình dị, bánh cúng luôn gây thương nhớ trong ký ức của mỗi người miền Tây.
Ảnh: Bánh cúng – món ăn trĩu nặng tình quê và đậm đà yêu thương
2. Quây quần bên gia đình
Hiện ở một số nơi ở thôn quê, sau Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ là dịp tiếp theo để sum họp gia đình. Người ta quan niệm rằng, đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái. Họ thu hoạch về để cúng tổ tiên, mong mùa màng bội thu và gia đình bình an.
Ảnh: Giây phút gia đình quây quần bên nhau
Dù xã hội ngày một phát triển, có thể nhiều gia đình cho rằng, để giết sâu bọ hay dịch bệnh phải bằng những cách khoa học khác mới hiệu quả. Tuy nhiên, bản chất của sự hình thành những phong tục văn hóa là hướng về tổ tiên, gia đình, giáo dục lòng biết ơn, thể hiện lối sống trọng quan hệ và trọng tình cảm của người Việt Nam. Vì vậy, Tết Đoan Ngọ luôn giữ một giá trị quan trọng trong văn hóa người Việt và các nước lân cận.
“Đoan Ngọ là Tết giữa năm
Gia đình đoàn tụ, chung mâm quây quần!”