CÓ MỘT MÙA VU LAN THẬT KHÁC...

“Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh

Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em

Thì xin anh, thì xin em hãy cùng tôi vui sướng đi”

Trích bài hát: BÔNG HỒNG CÀI ÁO

 (nhạc và lời: Phạm Thế Mỹ, thơ: Thích Nhất Hạnh)

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam đã gặp được mảnh đất màu mỡ, đó chính là những giá trị văn hóa ‘hướng về cội nguồn’ ngàn đời của người Việt Nam. Từ đó, Phật giáo ăn sâu bén rễ trong lòng dân tộc. Một trong những ngày lễ lớn trong năm của Phật giáo là mùa Vu Lan báo hiếu. 

Và năm nay, có một mùa Vu Lan rất khác…

 

1. Lễ Vu Lan và Bông hồng cài áo

Ngày lễ Vu Lan là dịp để những người con, người cháu trong gia đình thể hiện lòng hiếu thảo, đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà và lòng kính nhớ tổ tiên. Vì vậy hàng năm vào ngày này, rất nhiều người đến chùa để cầu nguyện sức khỏe và bình an cho gia đình, cho cha mẹ. Qua hàng ngàn năm với ý nghĩa đầy nhân văn, giờ đây lễ Vu Lan không chỉ là ngày lễ của Phật Giáo mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm.

Vào ngày Lễ Vu Lan thường có nghi thức bông hồng cài áo. Đây là nghi thức khởi xướng bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh trong cuốn sách "Bông Hồng Cài Áo" viết năm 1962. Những ai may mắn còn cha mẹ sẽ được cài bông hồng đỏ. Những ai cha mẹ đã đi vào cõi luân hồi thì cài bông hồng trắng. Còn các tu sĩ mượn thân cha mẹ để phổ độ chúng sinh, họ cài bông hồng màu vàng để thể hiện lý tưởng cao quý này. Bông hồng cài trên ngực áo thể hiện những tình cảm tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất của người con dành cho cha mẹ mình bởi bông hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý.

2. Có một mùa Vu Lan thật đặc biệt

Trong những ngày lễ Vu Lan, người nào còn cha, còn mẹ thường mua những món quà chăm sóc sức khỏe, nấu những bữa cơm ăn cùng nhau.

Ngày Vu Lan, được quây quần bên mâm cơm Mẹ nấu là điều hạnh phúc nhất

Người nào mất cha mất mẹ thường tụng kinh, làm công quả ở chùa để cầu phúc cho ân trên che chở đấng sinh thành của mình.

Dịp Vu Lan năm nay, dịch Covid 19 khiến nhiều người con còn cha mẹ nhưng không được bên cạnh đấng sinh thành. Đối với người phải cài bông hồng trắng cũng chẳng thể đến chùa làm công quả tỏ lòng hiếu lễ.

Dù không thể trực tiếp đến chùa hành lễ như mọi năm, chúng ta hãy ghi nhớ Phật là ở trong tâm, không nhất thiết sắm sửa lễ nghi thật lớn, quan trọng chính là tấm lòng hướng về cội nguồn.

Những ai còn cha mẹ hãy yêu thương và chăm sóc chu toàn. Những ai mà cha mẹ đã đi xa thì dành thời gian tưởng niệm và hành động thiết thực như đăng ký cầu siêu trực tuyến hay sẻ chia cơm áo cho những mảnh đời khó khăn ở thời điểm này. Đó là cách hồi hướng công đức cho tổ tiên, và cũng góp phần vun trồng phúc đức, hạnh lành cho bản thân và người thân nhiều đời.

3. Mùa Vu Lan trong đại dịch: Hãy trân quý hơn những gì đang có

Với những ai gia đình còn đủ đầy, phải chăng mùa Vu Lan năm nay giúp cho chúng ta cảm nhận rõ và trân trọng những người thân yêu quanh mình, từ đó tình cảm trong ta dạt dào hơn cả, và biết thấu cảm cho những hoàn cảnh mà không may người thân họ đã ra đi trong cơn đại dịch. Biết ơn và trân trọng những phước lành đó cũng là một cách bày tỏ tình cảm đến ân trên đã che chở, phù hộ.

Lễ Vu Lan giữa những ngày loạn lạc vì đại dịch, mỗi đứa con nhớ về cha mẹ mà nên biết sống tốt hơn, làm nhiều điều hướng thiện, sẻ chia với người khó khăn hơn mình. Tất cả xuất phát từ sâu trong tâm, từ tấm lòng hiếu hạnh, để cha mẹ dẫu ở xa cũng tự hào; để những ai cài bông hoa trắng cũng biết người ra đi mãi được an lòng.

“Dù cho vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi khắp thế gian này cũng không đền đáp được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ…”.

Và, “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không...”. Một mùa Vu Lan nữa lại về, Thành Duyên xin cầu chúc cho tất cả mỗi người có một mùa Vu Lan an lành và hạnh phúc!

Đăng kí nhận tin